“Nào hay cơn gió vô tình”

Đó là tựa đề tập thơ của nhà giáo Cao Văn Tín (1955-2018), quê Hoà Tân, Đông Hoà, Phú Yên. Ông dạy học từ 1976 tại quê nhà trong suốt 41 năm cho đến khi về hưu… Nhà giáo Cao Văn Tín là thầy dạy môn Văn ở bậc trung học cơ sở. Ấn tượng đầu tiên về nhà giáo Cao Văn Tín là một người thầy có vóc dáng bệ vệ, nụ cười đôn hậu và đôi mắt khắc khoải buồn. Thế nhưng, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về nhà giáo Cao Văn Tín là một người thầy đã đọc thơ minh họa cho bài giảng… Dưới đây là những dòng tâm tình của nhà thơ- nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn và người bạn đời Hà Nguyễn.


Nhà giáo– nhà thơ Cao Văn Tín lúc sinh thời

Tôi còn nhớ, buổi giảng văn “Người thiếu phụ Nam Xương”, nhà giáo Cao Văn Tín đã đọc một bài thơ liên quan đến câu chuyện, khiến học trò chúng tôi rất thích thú. Hết giờ học, tôi chạy theo hỏi: “Bài thơ của thầy, phải không ạ?”. Nhà giáo Cao Văn Tín chỉ cười nhè nhẹ. Lúc ấy, tôi đã hơi nghi ngờ nhà giáo Cao Văn Tín là một thi sĩ, nhưng chỉ đành “kính nhi viễn chi”.

Tôi vào đời, theo nghề cầm bút. Thỉnh thoảng có dịp gặp lại nhà giáo Cao Văn Tín ở quê nhà Phú Yên, tôi luôn kèm theo câu hỏi mỗi khi chào thầy cũ: “Dạo này thầy có viết gì không?”. Nhà giáo Cao Văn Tín chỉ cười nhè nhẹ như năm xưa. Thế nhưng, tôi cũng đã đủ khôn lớn để nhìn theo dáng đi của thầy cũ trước những phút giây hạnh ngộ vội vàng. Tấm lưng to bè của nhà giáo Cao Văn Tín, vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại. Người thầy dạy văn tài hoa của tôi, đã khiêm nhường giấu mình đi vì ái ngại những bon chen danh lợi trên cuộc đời nhiều đắm say lắm cay cực chăng?


Tập thơ duy nhất ông để lại cho đời Nào hay cơn gió vô tình do NXB Căn hóa Văn nghệ ấn hành tháng 11/2020

Bây giờ, nhà giáo Cao Văn Tín không còn nữa. Tôi phát hiện trong di cảo của ông có bài thơ viết về “Người thiếu phụ Nam Xương” mà ngày nào ông đã đọc cho chúng tôi nghe: “Xót xa chuyện cũ/ Thương cho má hồng/ Ngày xưa mệnh bạc/ Tìm đến dòng sông/ Nước rửa sạch không/ Kiếp đời giông gió?”. Bao nhiêu năm qua, nhà giáo Cao Văn Tín vẫn lặng lẽ làm thơ, những câu thơ vỗ về và an ủi, những câu thơ nhẹ nhàng và mát lành. Tôi nghẹn ngào đọc thơ của thầy giáo cũ, để hiểu thêm tấm lưng to bè vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại: “Tôi không nghe tiếng thương khóc nỉ non/ Tôi không nghe lời bi ai huyền thoại/ Tôi chỉ thấy cái cò cúm rúm, co ro, cam chịu đến nao lòng”. 

Nhà giáo Cao Văn Tín nối nghiệp cha mình để bước lên bục giảng, có cả niềm tự hào và có cả nỗi băn khoăn: “Bước vào nghề/ Lắm chông chênh/ Cũng là số phận/ Gập ghềnh mà thôi”. Vượt lên mọi thử thách và mọi ngổn ngang, nhà giáo Cao Văn Tín vẫn có được những tháng năm trọn vẹn với phấn trắng bảng đen, với đồng nghiệp và học trò: “Cuộc đời đâu là mơ/ Ân tình đâu là thơ/ Tôi vẫn chờ vẫn đợi/ Tôi cứ dại và mơ”.

Nhà giáo Cao Văn Tín làm thơ nhiều nhất ở giai đoạn chống chọi với bạo bệnh. Ông đã tựa vào gia đình và thi ca để đối mặt định mệnh trớ trêu, đúng như một ghi chú của ông: “Buổi chiều, được tin khối u giảm nhiều, không di căn. Mừng quá, và thơ ra đời”. Ở lằn ranh sinh tử, phẩm chất thi sĩ của nhà giáo Cao Văn Tín đã hiển lộ khá đầy đủ. Ông nhận ra “sông cũng nằm chờ/ mây qua đầu ngõ” để thảng thốt “Đời đìu hiu mờ tối/ Tự bó gối mà thôi/ Bay ngang qua đỉnh trời/ Ta biến thành giọt lệ”.

Hơn 200 bài thơ trong di cảo của nhà giáo Cao Văn Tín, khiến tôi giật mình. Ông đích thực là một nhà thơ. Ông có những câu thơ thật run rẩy “áo đỏ em ngồi/ bối rối tầm xuân”, và ông có những câu thơ liên tưởng xa rộng “thuyền xa bờ, gió đẩy biển về đâu”. Cảm giác thường xuyên xuất hiện nhất trong nhà giáo – nhà thơ Cao Văn Tín chính là sự bịn rịn xen lẫn hoang mang: “Đường trăng/ Mùa cũ xa mờ/ Chỉ nghe tiếng thở/ Bên bờ vọng sang”.

Nhà giáo – nhà thơ Cao Văn Tín bộc bạch: “Tôi tự tôi một cánh diều/ Thả lên từ bé với nhiều ước mơ/ Thế là tôi nợ cơn mê/ Ngay từ khi kéo diều về với tôi/ Bồng bềnh nhìn đám mây trôi/ Bồng bềnh ráng đỏ bên trời hắt hiu/ Trên cao tiếng nhạn kêu chiều/ Trần gian tôi nợ ít nhiều hoàng hôn”. Ông tự thú “nợ cơn mê” và “nợ ít nhiều hoàng hôn”, còn tôi và nhiều người khác đã nợ ông một bẽ bàng: Chúng tôi đi qua cuộc đời nhà giáo – nhà thơ Cao Văn Tín, mà không hay biết mình đã thờ ơ với một tâm hồn cao đẹp “đu đưa theo cánh võng/ nghĩ thương người long đong”. Chúng tôi đã dửng dưng và hấp tấp, không có cơ hội chia sẻ những phẩm chất thi sĩ của ông khi ông tại thế. 

Thế nhưng, với tập thơ này, tôi tin nhà giáo – nhà thơ Cao Văn Tín sẽ còn ở lại với cõi nhân gian, sẽ còn ở lại với bao nhiêu bạn bè và học trò của ông. Bởi lẽ, tấm lưng to bè vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại của ông dù đã chìm vào kỷ niệm mù khơi, vẫn gửi lại một tấm lòng trìu mến: “Này em, cơn gió vô tình/ Một hôm dừng lại trên cành tầm xuân/ Mây cao vây núi điệp trùng/ Riêng trăng chỉ biết ngại ngùng nhìn xa”.

Sài Gòn, 9-2020

LÊ THIẾU NHƠN

Biển và nỗi nhớ

Biển động. Những đợt sóng liên tiếp cuộn vào bờ tung bọt trắng xoá. Chiều muộn và biển mùa đông thật vắng. Chị vẫn ngồi đó, mắt đăm đắm nhìn ra khơi xa như muốn hoà mình vào tiếng gầm gừ cuồng nộ của biển cả.

Đã không biết bao lần, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, chị phóng xe xuống biển, mặc cho gió thổi càng lúc càng mạnh, mặc cho một vài người đi qua tò mò nhìn chị như một hiện tượng lạ. Có lúc ngẩn ngơ chị tưởng như đang sốt ruột chờ anh, bởi anh rất thích bơi ra xa dù chị lo lắng, và anh bước lên với nụ cười hiền cùng câu nói quen thuộc: Đi về em. Rồi cả hai đều dậm đôi chân trần đầy cát lên nền xi măng dọc biển, lấy chai nước mang theo xối lên chân, thong thả ra về với niềm sảng khoái xen lẫn hạnh phúc đong đầy trong mắt… Chợt thảng thốt, anh còn đâu nữa mà chờ mà đợi.

Chị đứng lên, bước trên lối nhỏ lúc lên lúc xuống mà cả hai thường đi dạo sau những lúc đạp xe thể dục mệt nhoài. Anh rất thích đi trên những lối này để nghe chị huyên thuyên kể đủ thứ chuyện, còn anh, anh chỉ cười thỉnh thoảng lại chêm vào vài câu đùa hóm hỉnh. Mùa biển êm, họ cùng ngụp lặn trong làn nước biển mát rượi trong xanh. Mùa biển động, họ đồng hành đạp xe dọc biển tập thể dục ngắm hàng phi lao hai bên đường reo vui trong nắng. Hạnh phúc của họ thật bình dị, giản đơn mà cũng thật đẹp.

Gió vẫn thổi ào ạt, hàng cây mới trồng nghiêng hẳn về một phía. Trước mắt chị như hiển hiện hình ảnh của một đôi thanh niên nam nữ chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, nét mặt rạng rỡ với mắt sáng, môi tươi. Ngày xưa đó, vào những năm của thập kỷ bảy mươi, anh chị học chung một lớp ở ngôi trường phổ thông trung học của thị xã. Bẳng đi hai năm, anh chuyển đi học ở một thành phố khác. Sau tốt nghiệp phổ thông, chị vào trường Sư Phạm ở một tỉnh miền trung, còn anh thi thoảng có gặp, nghe đâu anh học ở một trường đại học tận cao nguyên xa lắc. Nếu cuộc sống cứ êm trôi như thế chắc anh chị chỉ như hai chiếc bóng lướt qua nhau, là “ đôi bạn ngày xưa học chung một lớp”.

Nhưng rồi thời cuộc thay đổi, chị và anh lại gặp nhau lần nữa trong ngôi trường Sư Phạm miền Trung. Ngày ra trường, cả hai cùng được phân công về một trường cấp hai trong thị xã. Họ vẫn là bạn của nhau. Cũng có lúc chuyện trò,chị bảo rất thích ăn đu đủ hườm chấm muối ớt. Mấy ngày sau, cuối buổi dạy, khi ra nhà xe chị phát hiện một túi nylon đựng mấy trái đu đủ nhỏ vàng tươi trong giỏ xe mà hôm sau mới biết là anh mang từ quê ra. Một lần khác ,anh tặng chị bức tranh ghép giấy có hình một cô gái nhìn từ sau với dáng người nhỏ nhắn, tà áo dài trắng bay bay, tóc xoã trong gió giữa con đường đầy lá me bay cùng dòng thơ bên dưới bỏ lửng: Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong… Chị cười: Lãng mạn quá.

Rồi những quan tâm nho nhỏ thật đáng yêu, thật dễ thương của anh khi chị từ sân trường bước vào trong chiếc áo dài lụa vàng, anh cười cười nhìn chị: hôm nay bỗng thấy yêu hoa cúc khiến chị lúng túng. Hoặc có lúc chị bỏ quên tập giáo án, anh đạp xe lên nhà trao cho chị và nói: không nhận cảm ơn nha. Có lần cùng ngồi tán gẫu, chị nói thích thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng, anh bảo yêu thơ Nguyễn Bính, vậy là cả hai quên cả thời gian dẫu cho mọi người đã ra về. Cứ như vậy, cả chị, cả anh như cảm thấy rất thích trò chuyện với nhau về đủ chuyện trên trời dưới đất.

Và rồi một biến cố lớn đến với họ, một số giáo viên trẻ trong trường bị thuyên chuyển đi xa trong đó có hai người. Anh chuyển về một ngôi trường ở quê mình, chị và một cô bạn thân ngược về miền quê phía tây thị xã. Không ai trong số họ buồn cả vì niềm háo hức được đi xa gia đình, vì được thay đổi nơi sống, và cả nỗi vui mừng được thoát khỏi sự gò bó cứng nhắc của những ngôi trường phố thị.

Họ rời thị xã mỗi sáng thứ hai và trở về nơi này mỗi chiều thứ bảy. Tối thứ bảy và tối chủ nhật, anh hay đến rủ chị và cô bạn đạp xe vòng vòng qua phố có lúc ăn vặt, có lúc cà phê… Cứ như vậy, cả ba người luôn cảm thấy thật ấm áp, gắn bó để sau đó lại bắt đầu một tuần mới ở trường quê.

Rồi không biết tự lúc nào, cuối tuần anh chỉ đến nhà chị và hai người, mỗi người một chiếc xe đạp lại vòng vòng trên phố nhỏ tận hưởng cái thú vui lang thang thư giãn để chuẩn bị cho một tuần dạy học mới. Hình như chị cũng ngây thơ tin lời giải thích của anh về sự vắng mặt của cô bạn thân cho đến một ngày cô ấy lắc lắc cái bím tóc xinh xắn vừa cười cười vừa nheo nheo đuôi mắt, nói nửa đùa nửa thật: Nè người ta có ý gì với bà đó nha, đâu có ai tới rủ tui đi chơi nữa đâu… Chị ngớ người và mới hiểu ra.

Cũng từ đó mỗi cuối tuần, sau những vòng xe là niềm quyến luyến không muốn chia tay, có lúc về đến cửa nhà chị, anh lại bảo đưa anh về. Vậy là lại cùng đạp xe xuống nhà anh, rồi cả hai lại đạp xe lên tiễn chị về nhà. Rạng sáng đầu tuần, anh đã có mặt trước cổng nhà đưa chị lên trường sau mới về quê. Một tuần đối với hai người thật dài và họ mong sao đến thứ bảy để được gặp nhau, chị cảm thấy yêu hơn bao giờ hết ca khúc “Bảy ngày đợi mong “ mà anh rất thích nghe chị hát. 

Những tháng ngày sau đó thật hạnh phúc với họ, dẫu anh thường hay chở chị dạo phố bằng chiếc xe đạp cà tàng mà mỗi khi ngồi, một tay chị ôm hông anh, một tay còn lại phải níu cái dè xe lên để nó khỏi kêu cót két làm mọi người chú ý. Nhưng không sao, thời ấy khó khăn đâu chỉ riêng ai, chỉ có tình yêu của họ là thật thơ, thật đẹp…

Trời tối dần, biển sẫm lại vì những ngọn đèn mới sáng như chưa đủ sức xua tan đi cái nhập nhoạng của thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm. Cũng đến lúc phải về thôi, chị thầm nhủ rồi đi lại chỗ lấy xe. Lại những con mắt tò mò nhìn chị, một phụ nữ luống tuổi một mình lang thang trên biển vắng. Chị chạy xe qua phố, cảnh vậy cũng như mọi ngày, mọi người vẫn thản nhiên, cuộc sống vẫn như một dòng chảy không ngừng, chỉ có anh là mất hút trong đời chị Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn reo đời suối, còn anh đang ở đâu anh ơi… Và dẫu đã cố nén, nước mắt lại giàn giụa hoà cùng nước mưa trên mặt chị, chỉ có gió là cố thổi mạnh như để lau khô những buồn thương trong chị mà thôi.

Tháng12. 2018

HÀ NGUYỄN – Bạn đời của nhà giáo CAO VĂN TÍN