Vui cảnh đồng quê với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

“Chú Hai Nghĩa”- đó là tên gọi thân thuộc của nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ở địa phương, vùng quê ấm áp tình nghĩa xóm làng đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ.

Đến xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hỏi thăm nhà “chú Hai Nghĩa” là người dân hướng dẫn cặn kẽ đường vào nhà “chú Hai Nghĩa”, một con hẻm rộng, xe tải có thể ra vào được,…


Đoàn cán bộ, phóng viên dùng bữa trưa thân mật tại nhà của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. (Ảnh: Đỗ Minh Chánh)

Từng là một lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, kiên quyết nói không với tham nhũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng. Từ năm 2010, tham dự Hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nói: “Để công tác phóng chống tham nhũng (PCTN) có hiệu quả, cần đặc biệt tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở và tiếp tục nhân rộng các điển hình đóng góp cho công tác PCTN. Đồng thời phải tăng cường cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đứng ra đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, không để họ phải đơn thương độc mã chống lại cái xấu”.

Bắt tay vào công việc là quyết liệt như thế, không nhân nhượng, không chùn chân,… nhưng khi về với ruộng vườn, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trở thành một nhà nông thực thụ. Bất kỳ ai khi đã tiếp xúc với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại khu vườn khoảng 5.000m2 đất, chủ yếu trồng bưởi,… bày tỏ sự ngỡ ngàng, không khỏi thán phục trước cách chăm sóc, vun đắp từng liếp bưởi, cách tưới tiêu,… của “chú Hai Nghĩa”, đã giúp vườn bưởi phát triển xum xuê, bạt ngàn một màu xanh của lá và trái bưởi lủng lẳng trên cành.

Theo lời nhiều người sinh sống gần đó, họ đã quen với hình ảnh mỗi buổi sáng, khoảng 5 giờ, là nhà “chú Hai Nghĩa” sáng đèn, sửa soạn cho bữa ăn sáng, “chú Hai Nghĩa” xem tin tức xong thì ra vườn xúc đất trồng cây, ra ao cho cá ăn và làm tất cả các công việc như một lão nông thực sự từ bón phân, tỉa cành đến xúc đất… 11 giờ trưa mới nghỉ. Chiều lại ra vườn cặm cụi cho đến tận 5 giờ mới nghỉ.

Bước vào khu vườn nhà “chú Hai Nghĩa”, các lối đi trong vườn là cây cảnh, cây thuốc, phía trong có rất nhiều loại cây ăn trái như dừa xiêm, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, ổi, xoài, đu đủ, bơ… và cây dược liệu. Và tất nhiên không thể thiếu những luống rau xanh mùa nào thức ấy, phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Ngoài ra còn có khu chăn nuôi gia cầm, ao thả cá… Ít ai ngờ, các luống rau trong vườn nhà chính là món ăn hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn gia đình “chú Hai Nghĩa” và là đặc sản dùng để đãi khách.


Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng bên cạnh chuồng gà nuôi tại vườn nhà. (Ảnh: PV)

Dù vui sống cuộc sống thanh nhàn, yên bình ở quê nhà, nhưng mỗi khi nhận được thông tin về sự thay đổi, phát triển của địa phương nào đó là “chú Hai Nghĩa” có mặt tận nơi, xem xét và đóng góp ý kiến để lãnh đạo địa phương có cách xử lý thích hợp. Nhắc đến nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, người dân vùng Tây Bắc đều bày tỏ sự yêu thương, ngưỡng mộ.

Bởi vì Tây Bắc là vùng khó khăn nhất cả nước. Khó khăn toàn diện. Trình độ dân trí thấp. Sản xuất thì mang tính chất tự cung tự cấp. Ngoài ra, đây là vùng lưu giữ nguồn nước cho cả miền Bắc, có thủy điện sông Đà, có điện Lai Châu… nhưng lại là vùng điện khí hóa chậm nhất. Hơn nữa, lúc đó chưa có đường, nếu từ Điện Biên xuống Sơn La thì phải đi qua đèo Pha Đin. Nhưng đèo Pha Đin lúc đó cao lắm chứ chưa được hạ thấp như bây giờ…

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, được xem là chứng nhân lịch sử của sự thăng trầm vùng Tây Bắc. Ông cho biết: “Tôi là dân Bến Tre. Sau khi chuyển từ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, tôi được Bộ Chính trị phân công kiêm nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nơi anh Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) làm Trưởng ban. Trước Đại hội 10, Bộ Chính trị dự kiến anh Tư Sang làm Thường trực Ban Bí thư. Nhưng nếu anh Tư về Thường trực Ban Bí thư thì không thể nào làm Ban Chỉ đạo Tây Bắc được.

Lúc đó, Bộ Chính trị họp, bàn tới bàn lui mới quyết định điều động tôi đi làm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc. Được đưa lên vùng Tây Bắc tôi thấy là một sự ngỡ ngàng với mình. Vì hồi xưa đến giờ mình ở ĐBSCL, cạnh sông nước mà đưa về chỉ đạo miền núi. Đây là khu vực có đường biên giới 1.400 km, dọc với phía TQ. Đây cũng là khu vực khó khăn, an ninh chính trị phức tạp. Khi đó, người nói ra nói vào, nhưng với tôi, Đảng đã phân công thì tôi chấp hành vô điều kiện...”.

Vùng Tây Bắc khó khăn là thế, làm sao để vực dậy nền kinh tế, giúp dân vượt khó? Ngay lúc ấy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khuyên bảo trồng cây cao su. Thấy có lý, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mời Tập đoàn Cao su lên, nói họ nghiên cứu, rồi đầu tư. Tập đoàn Cao su bỏ 4.000 tỷ,… rồi họ thành lập nhiều công ty để trồng. Nhưng cơ chế thế nào? Đất là đất của dân, dân bảo: “Trời ơi tôi có ít đất để trồng trọt, giờ bắt trồng cao su thì mấy năm đầu lấy gì ăn?”.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mới trả lời, bây giờ bà con cứ gom đất vào trồng cao su, mỗi ha đất tính ra là 10 triệu đồng, coi như mua cổ phần để cùng làm với Nhà nước… Đầu tiên thí điểm ở Sơn La, có những lao động tính ra làm được tới 60.000 đồng/ngày công, có người 120.000 đồng, thậm chí có người 160.000 đồng, tùy theo năng suất lao động.

Hồi đó, cứ lãnh lương là tôi lại mang đi cho dân. Và hầu như lần nào lên Tây Bắc, người dân cũng cho tôi một giỏ trứng gà nhỏ, hay thêm trái bầu, trái bí, giá trị không có bao nhiêu nhưng tình cảm chứa đựng trong đó rất dạt dào. Hiện tại, nông dân Tây Bắc nói với tôi, mủ cao su làm ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết, rồi xuất khẩu. Tôi mừng lắm.

Giá dầu lên là mủ cao su lên, giá mủ cao su lên thì đời sống đồng bào khấm khá hơn. Như vậy, khi tôi chết thì có thể nhắm mắt xuôi tay và hài lòng về bản thân mình… Tôi nói là, nếu trồng cao su ở Tây Bắc mà thất bại thì cứ đem chém tôi. Phải như thế. Người lãnh đạo phải dám đương đầu với khó khăn, chịu đựng khó khăn và tìm cách vượt qua khó khăn...”- nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng bồi hồi nhớ lại.

Nguồn : Kinh doanh & Pháp luật