“Về với yêu thương”: tình yêu trải dài trên khắp nẻo đường quê hương…

Nếu tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” (2021) được xem là ấn phẩm bao quát cả một truyền thống đất Phương Nam thì “Về với yêu thương” (2024) được xem là ấn phẩm dành cho tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa,… trải dài trên khắp nẻo đường quê hương và cả nước ngoài…

02 tập thơ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Tập thơ “Về với yêu thương” là “đứa con tinh thần” của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành bao gồm 100 bài thơ, 14 ca khúc phổ từ thơ và 06 bài vọng cổ được viết từ thơ của ông… Với lời đề tựa của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, ảnh bìa do nhà báo- nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn thực hiện.

Lời giới thiệu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Một chút “Bâng khuâng” với “Chiều thu bàng bạc mây trôi/ Nắng thu mấy sợi ngỏ lời yêu thương/ Tình ơi sao mãi vấn vương/ Hỡi người tri kỷ dặm trường có hay…” và “Một mùa thu mùa của yêu thương/Mùa em đến mang theo bao nỗi nhớ/ Kỷ niệm vàng sóng sánh mật ong/ Một khoảnh khắc bay lên…” (bài thơ “Hương mùa thu”) rồi đến bài thơ “Hơi thở đại ngàn” với: “Mùa đông đến rừng khuya thanh vắng/Cao nguyên sương lạnh giấu trăng rồi/ Nghe tiếng suối reo hồn sâu lắng/ Không gian trầm mặc nhớ chơi vơi…” hay là bài thơ “Trung thu cho trẻ mồ côi” nói về Sài Gòn vừa qua đại dịch Covid: “Thành phố vừa qua đại dịch/ Thành phố nghĩa tình xanh lại ước mơ/ Hãy giữ lấy trái tim nhân ái/ Góp cho đời hai chữ yêu thương…”.

Ảnh chụp nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và tác giả

Mỗi bài thơ đều chứa đựng một tình yêu thương, dạt dào cảm xúc, dù đó có là câu chuyện không vui như bài thơ “Sài Gòn hồi sinh”, “Tìm bóng người xưa”, “Nhớ”, “Ly cà phê đắng”, “Tìm em trong tôi”, “Chờ em”,… Như lời bình ở đoạn cuối tiêu đề “Hồn thơ Trương Hòa Bình” của nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha như sau: “…Hồn thơ Trương Hòa Bình ngày càng thu hút hơn độc giả. Đấy là điều lạ. Lạ mà không lạ. Có lẽ cái gốc vẫn là sự chân thành…”.

Anh Duy