Rơi nước mắt khi nghe bác sĩ kể công việc ở khu cách ly

Ngày nhận nhiệm vụ tình nguyện vào khu cách ly, những y, bác sĩ trẻ chỉ được nghe bảo là sẽ đi đến ‘mút mùa’, rồi cứ thế lên xe và… đi chứ không một phút chần chừ.

Những ngày làm việc liên tục, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ gục xuống nơi bậc thềm để lấy sức

“Lúc đầu khi xung phong đi, mình cũng không biết cụ thể công việc như thế nào, thời gian đi chính xác bao lâu, chỉ biết khối lượng công việc ở khu cách ly khá nhiều và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng lúc đó mình chỉ nghĩ, nghề mình học 6 năm qua, đã đến lúc xã hội cần và mình phải cống hiến”, bác sĩ Nguyễn Đăng Quang (26 tuổi, Khoa Tai mũi họng – liên chuyên khoa Bệnh viện Q.4, TP.HCM) bày tỏ.

10 bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Q.4 đang đảm trách 3 dãy nhà tại khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, đều là những y bác sĩ còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình. Họ tự nguyện đăng ký xin đi thay cho những bác sĩ lớn tuổi, vì nghĩ mình trẻ, sức khỏe dẻo dai, sức đề kháng cũng tốt hơn để tham gia chống dịch bệnh…

Có những đêm viết hồ sơ cập nhật tình hình sức khỏe người cách ly đến tận khuya

Lo hết công việc từ A – Z

Là thành viên được xếp vào nhóm lớn tuổi của đội, bác sĩ Nguyễn Thị Hà Tiên (28 tuổi) đảm trách nhiệm vụ đội trưởng. Một ngày, đội của Tiên sẽ 2 lần đi kiểm tra, đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe của người cách ly. 3 bác sĩ trong đội được phân mỗi người phụ trách một khu để xử lý tất cả những tình huống khẩn cấp xảy ra. Rồi sáng, trưa, tối thì cùng dân quân đi từng phòng đánh thức, phát cơm cho người cách ly… Bất cứ giờ nào, dù lúc đang ăn hay đang ngủ, sáng sớm hay đêm khuya, có ai trong khu cách ly gọi với lý do như: đau đầu, đau bụng, đứt tay… là họ lại phải chạy đi xử lý.

Tiên cho biết thêm mỗi ngày đội phải phát cơm xong cho gần 500 người, bữa ăn của họ mới bắt đầu nên nhiều khi kết thúc xong công việc một ngày, họ mới kịp giật mình nhận ra bữa cơm vẫn chưa ăn, đôi chân phải chạy quần quật mà chưa một phút được nghỉ… là chuyện như cơm bữa.

Cũng theo Tiên, khổ nhất có lẽ vẫn là những ngày lấy mẫu xét nghiệm. Vì mặc đồ bảo hộ vào 5 phút là mồ hôi đã tuôn ra như suối, mà có những ngày như ngày đầu tiên lấy mẫu xét nghiệm là cùng lúc đến 6.600 mẫu, làm từ sáng sớm đến tận 10 giờ đêm nên Tiên kể khuya đó xong việc đi về phòng, ai cũng như muốn lết về.

“Nói chung ở đây tụi mình lo hết công việc từ A – Z chứ không riêng gì về y tế. Lo từ cơm nước đến điện hư, quạt hư, nước hư… Rồi lo từ sức khỏe đến tâm sinh lý, người cách ly nào buồn, khóc cũng phải đi an ủi, tâm sự với họ”, Tiên nói.

Những ngày dài thật dài

Nhưng không phải ngày nào họ cũng làm những công việc lặp đi lặp lại như vậy, mà từ ngày vào đây, Tiên ví công việc của mình giống như bài hát Thật bất ngờ của ca sĩ Trúc Nhân.

“Trong tình hình dịch bệnh nên công việc ở đây cứ thay đổi từng ngày, từng giờ và không có ngày nào giống ngày nào. Sáng mở mắt ra là có công văn mới, công việc mới, toàn họp khẩn, chỉ đạo khẩn, triển khai khẩn và không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra”, Tiên nói.

Các bác sĩ phải kiểm tra thân nhiệt của tất cả người cách ly mỗi ngày

Đơn cử như ca dương tính 248 ngày 7.4 vừa qua. Tiên kể tối 6.4 là ngày kết thúc lấy mẫu sau 5 ngày làm xét nghiệm. 11 giờ khuya nhận một cuộc gọi đến và báo tin đã có kết quả 1 trong 3 khu mà đội Tiên đang quản lý, và tất cả đều âm tính. Mọi người vỡ òa cảm xúc vì hạnh phúc, cầm loa từ trên giường phóng xuống đất để đi thông báo cho người cách ly ở đây thu dọn đồ đạc chuẩn bị sáng mai về.

“Sau khi đi thông báo, tụi mình ngồi lại làm danh sách hoàn thành cách ly cho mọi người đến gần sáng. Mà cũng vì nô nức và mừng quá không thể nào ngủ được, coi như một đêm trắng giấc vì quá hạnh phúc. Rồi mới sáng sớm đã hối hả lên tổng chỉ huy để in những giấy xác nhận về phát cho người cách ly. Lúc đó mới đúng 6 giờ sáng là đã in xong, và đang đi được nửa đường trở về để phát giấy thì nhận được cuộc gọi báo tin 1 trong 2 khu còn lại có ca dương tính. Đầu mình lúc đó trống rỗng và cảm xúc không thể nào diễn tả được bằng lời, như có 2 đứa con, mà trong cùng một ngày mới nhận tin vui của đứa này thì phải nhận tin đứa còn lại bị bệnh nan y”, Tiên nhớ lại.

Dù nước mắt đã muốn chực trào rơi, Tiên cũng muốn bật khóc như mọi người, nhưng lại trấn an bản thân, giữ tinh thần để giải quyết “núi” công việc của ngày hôm đó. Và quan trọng hơn hết là giữ tinh thần để còn động viên tất cả những khách phải tiếp tục ở lại cách ly.

Ngày hôm sau, một khách trong khu cách ly có đăng dòng trạng thái: “Ngày thứ 15 cách ly và vali chuẩn bị ra về đã sẵn sàng. Nhưng mình là F2, tiếp tục gia hạn cách ly. 11 giờ đêm qua, khi mình đang mải trấn an người nhà thì nhận được tin nhắn của chị nhân viên y tế ở đây “Chị mới xong” kèm hình ảnh chị nằm dài dưới đất mệt mỏi. Mình chỉ nhắn lại “Cố lên”. Ngày dài phải không chị? Tự dưng nhận tin trời giáng rồi các chị phải lo di chuyển được F0, dọn dẹp sắp xếp chỗ cho F1, chạy ngược chạy lui mà chả biết ăn cơm chưa nữa. Mấy nay, mấy chị ấy có ăn gì nhiều đâu”.

Bác sĩ làm việc ở khu cách ly rất cực nhọc

Có lẽ chính những thấu hiểu và tình cảm của người cách ly ở đây đã là động lực để đội ngũ nhân viên y tế trẻ không nề hà bất cứ khó khăn gì, luôn cố gắng dù mỗi ngày áp lực công việc đè nặng, kể cả dù bản thân họ có khả năng lây nhiễm cũng rất cao.

Giấu ba mẹ đi chống dịch

Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được như vậy, nhất là từ ngày có ca dương tính, có rất nhiều luồng dư luận khác nhau, người thông cảm cũng có, người đổ lỗi, oán trách cũng có. Nhất là người nhà của những người cách ly, xuất phát từ tình thương con, nhưng tình thương của sự ích kỷ nên cũng là áp lực vô hình cho đội ngũ nhân viên y tế.

“Có những lúc tụi mình cũng yếu lòng, sau một ngày dài, mỗi đứa ngồi một góc và nghĩ như một giấc mộng dài nhưng chưa thể tỉnh dậy được. Cũng may, tụi mình đều là những người trẻ, nên sự lạc quan và tinh thần cũng vực dậy được rất nhanh sau đó”, Tiên giãi bày.

Rồi cô nàng cười xòa, nói tưởng như đùa nhưng lại là sự thật: “Ở đây tụi mình còn có nhiệm vụ bất khả kháng nữa đó là ngày nào cũng phải gọi điện về để trấn an ba mẹ ở nhà”.

Tiên kể đa phần các thành viên trong đội nếu không giấu ba mẹ đi thì cũng bị ngăn cấm. Có những bạn đã đi được 3 – 4 ngày rồi, nhưng xuất phát từ tình thương và lo lắng cho con mình trong cơn dịch bệnh khó lường, nên ngày nào ba mẹ cũng gọi điện và bảo nghỉ việc về.

10 y, bác sĩ Bệnh viện Q.4, làm việc tại khu cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM- họ còn rất trẻ

“Tất cả tụi mình ở đây đều tự nguyện đăng ký xin đi. Trước khi có thông báo tham gia thì tụi mình đã ở trong tâm lý sẵn sàng chờ và hay đùa với nhau rằng không biết khi nào Tổ quốc gọi tên mình. Tụi mình làm nghề y, nếu còn sợ nữa thì ai sẽ làm những việc này. Hơn nữa, mình nghĩ tuổi trẻ không phải ai cũng trải qua được những khoảng thời gian như thế này”, Tiên bộc bạch.

Còn với Quang, vì giấu gia đình đi chống dịch nên mong ước lớn nhất bây giờ của chàng bác sĩ trẻ là: “Mình mong tất cả đều sẽ nhận được kết quả âm tính, mong dịch bệnh sẽ được dập tắt và mình sớm hoàn thành nhiệm vụ để về quê ăn với ba mẹ bữa cơm gia đình, vì mình đã giấu ba mẹ chuyện mình đi chống dịch ở khu cách ly nên thấy rất có lỗi”.

thanhnien.vn