Xử lí khi côn trùng chui vào tai ai cũng nên biết

Xử lí khi côn trùng chui vào tai ai cũng nên biết

Việc côn trùng chui vào tai không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là trường hợp này hay xảy ra thường xuyên ở trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh phải biết những cách xử lý để tránh dẫn đến những vấn đề đáng tiếc.


Trong những trường hợp này, tuyệt đối các bạn không được dùng cây bông gòn, tăm bông ngoáy vào tai. Làm như vậy có thể làm cho côn trùng hoảng sợ, chạy sâu vào trong, và trong khi bạn cố gắng thọc cho côn trùng ra thì lại thọc trúng màng nhĩ của mình. Trước tiên bạn nên cố gắng bình tĩnh hoặc trấn an người bị côn trùng tấn công. Nếu hốt hoảng sẽ vô tình kích động khiến côn trùng vào sâu hơn. Sau đó nhẹ nhàng kéo dái tai lên, nghiêng phần tai bị côn trùng chui theo hướng lên phía trên để côn trùng bò ra. Nếu nghiêng xuống dưới thì côn trùng cảm nhận được tác động trọng lực đi xuống sẽ bò ngược lên, sâu vào bên trong.

Nhà gần thì đến bác sĩ Tai Mũi Họng ngay để được xử trí chuyên khoa tai mũi họng:

Cơ sở y tế, bệnh viện lớn có đủ chuyên viên và trang thiết bị để xử trí các trường hợp dị vật chui vào tai. Côn trùng chết thì đơn giản hơn là lấy ra bằng những dụng cụ chuyên khoa như kẹp, móc… Nếu côn trùng còn sống, bác sĩ sẽ làm côn trùng chết nhanh bằng các loại thuốc như thuốc tê, nước oxy già nhỏ vào tai, các thuốc nhỏ tai như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine… 

Một số trẻ hốt hoảng, kích động, bác sĩ sẽ gây mê hoặc tiền mê nhẹ để giúp bé ngủ trong quá trình làm thủ thuật gắp côn trùng ra. Không gây nguy hiểm do cố lấy trong tình trạng bé giãy giụa. Không ít trường hợp đã gây ra biến chứng đáng tiếc như gây điếc, rách thủng màng nhĩ do người nhà hoặc các nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Với những côn trùng to thường nên làm chết trước khi lấy ra để tránh gây tổn thương thêm cho ống tai và màng nhĩ. Côn trùng nhỏ thì dễ dàng lấy ra như hút, bơm rửa bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, hoặc bằng các thuốc chuyên dụng như audiclean… Sau khi lấy côn trùng ra cần rửa sạch tai và nhỏ thuốc tai vài ngày sau đó để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm.


Nếu nhà xa Cơ sở y tế Tai Mũi Họng:

1. Hãy tắt hết đèn hoặc đi vào ngay chỗ tối. Sau đó dùng đèn pin hoặc bật lửa soi bên tai bị côn trùng vào. Côn trùng thấy sáng sẽ ra.

2. Hoặc ta dùng nước ấm (độ ấm tương đương với nhiệt độ cơ thể) hoặc dầu ăn, hoặc dầu em bé (dầu khoáng) thường dùng để mát xa cho em bé. Và thực hiện nhanh như sau: để bên lỗ tai có con côn trùng hướng lên trên đổ dung dịch vào lỗ tai có côn trùng, để thành công hơn, bạn nên kéo dái tai ra một xíu, để dung dịch có thể vào thẳng ống tai, để côn trùng ngộp nhanh hơn hoặc côn trùng lội theo nước ra ngoài tai thì lúc đó ta dùng kẹp gắp ra nhẹ nhàng. Khi nó ra được rồi, bạn nghiêng đầu về bên lỗ tai vừa có côn trùng đi ra, để cho dung dịch ra hết. Sau đó ta cần đến bác sĩ Tai Mũi Họng để kiểm tra và vệ sinh tai.

Trường hợp vẫn lấy không được thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa, không nên có biện pháp can thiệp sâu hơn gây tổn thương tai. 

Lưu ý: Nếu người bị côn trùng chui vào tai mà thấy có bất thường ở tai như thấy dịch hay máu chảy ra từ tai, có nghĩa là màng nhĩ đã thủng thì không áp dụng những cách trên. Lúc này, bạn nên nhanh chóng tới bệnh viện gần nhất để bác sĩ xử lý đúng cách.

Có nhiều phương pháp dân gian hiệu quả với côn trùng nhỏ như kiến, ví dụ giã lá hẹ, hành lá rồi vắt lấy nước; ép nước gừng sống nhỏ vào tai; xông khói vào lỗ tai để côn trùng chui ra. Tuy nhiên, nhiều cách xử trí dân gian không đúng có thể gây tai biến hoặc để lại di chứng vĩnh viễn cho tai. 

Phân tích về phương pháp đổ mật ong vào tai mà một số người chia sẻ, bác sĩ Trương Hoàng Hải Đăng cho biết, mật ong khi đổ vào tai sẽ rất khó rửa, đọng lại trong tai thu hút kiến bò vào càng nguy hiểm hơn. Mật ong không nguyên chất có thể gây nhiễm trùng cho tai.


Một số biện pháp phòng ngừa côn trùng chui vào tai:

– Nên ngủ giường, không ngủ đất.

– Không nên ăn uống để thức ăn vung vãi trên giường, nệm ngủ.

– Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, thay ga, áo gối khi bị dính sữa để tránh chiêu dụ côn trùng đến.

– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu trong nhà.

Với trường hợp hạt đậu hoặc các hạt nhỏ chui vào tai, đặc biệt hay xảy ra ở trẻ nhỏ do nghịch ngợm, mọi người hãy áp dụng phương pháp sau: Cho trẻ nghiêng đầu về phía tai đau rồi dùng một ống trúc nhỏ hoặc ống nhựa có đường kính bằng lỗ tai, đặt sát vào tai, rồi dùng miệng hút ra.

Hy vọng rằng với những phương pháp xử lý như trên sẽ giúp cho mọi người có thêm mẹo nhỏ để sử dụng khi cần thiết.