“Tôi yêu Việt Nam”, vô tình hay cố ý mà ý nghĩ này luôn ở trong tim mỗi sinh viên, học viên Khoa VIỆT NAM HỌC Trường Đại Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới và có chung một Tình yêu. Đất nước con người Việt Nam luôn hấp dẫn họ, như một bí mật thú vị mà họ khao khát khám phá bằng những nổ lực của bản thân, Học tiếng Việt để hòa nhập với cuộc sống cùng người Việt Nam dường như là nỗi khát khao của họ. 20 năm qua, khoa VIỆT NAM HỌC trường Đại Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh đã đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho biết bao người nước ngoài đến với Việt Nam, không phân biệt độ tuổi, quốc tịch. Khoa VIỆT NAM HỌC luôn mở rộng cánh cửa để đón nhận học viên, sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, thổi lửa cho trái tim họ sống cùng Việt Nam.
Không khỏi xúc động và hạnh phúc khi tất cả có chung một ước mơ, tuy rất nhỏ đối với người Việt Nam nhưng với họ là ước mơ đẹp: được mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Và đằng sau ước mơ được mặc áo dài là một ước vọng gắn kết: sau khi tốt nghiệp được ở lại làm việc tại Việt Nam.
Sài Gòn những ngày cuối năm lại có cái nóng gay gắt và những cơn mưa bất chợt,Tôi đến Trường KHXH NV trể hơn lời hẹn vì kẹt xe… 15 chiếc áo dài của Nhà Thiết kế Việt Hùng nằm gọn trong túi xách,15 học Viên ngồi trong văn phòng Khoa Việt Nam học háo hức chờ đợi, Một người nước ngoài lớn tuổi đi ra đi vào… rồi có vẻ thất vọng vì không thấy áo dài… Nhưng túi xách nhỏ mở ra, tất cả đã reo lên. Rồi từng chiếc áo được treo lên trong tiếng trầm trồ của các bạn. Với họ được mặc chiếc áo dài là một hạnh phúc. Tôi không khỏi xúc động khi nhìn từng ánh mắt, nụ cười hạnh phúc trên từng khuôn mặt. Với tôi nó là dấu ấn thật đẹp của một người nhiếp ảnh chuyên chụp áo dài…. Một học viên lớn tuổi người Canada nói nhỏ với tôi giọng tiếng Việt rất chuẩn: tôi phải giảm hơn 5kg để được mặc áo dài đấy…
Họ là những ai…?
Adam Galazka là một linh mục người Ba Lan, năm nay 46 tuổi. Adam rất thích hoà mình vào cuộc sống ở Việt Nam. Adam đã đến TP HCM vài năm trước, học tiếng Việt rất tốt. Anh trân trọng tấm lòng Việt và yêu chiếc áo dài Việt như một báu vật.
Maria Gudoshnikova là sinh viên Khoa Phương Đông, trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg ở Nga, hiện đang là sinh viên trao đổi tại Khoa Việt Nam học, trường ĐH KHXHVN TPHCM. Cô gái rất yêu các trang phục truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là áo dài vì “nó có thể có bất kỳ màu sắc gì, có thể màu rực rỡ, có thể màu dịu dàng, có thể màu sáng, có thể màu tối”. Khi được mặc bộ áo dài nhung đen tuyền, cô nói cô có cảm giác mình là “một con thiên nga đen”.
Choi Hansol người Hàn quốc, nụ cười luôn trên môi khi tiếp xúc với mọi người. Anh xem Việt Nam như là quê hương thứ 2 của mình, Việt Nam gắn bó như là hơi thở của anh. Anh đã học xong Giáo trình Tiếng Việt 3, nhưng đã có thể đi làm tư vấn viên bằng tiếng Việt Vốn đã tốt nghiệp Khoa Diễn xuất tại trường Đại học Kyonggi ở Seoul, Hàn Quốc, Hansol mơ ước được trở thành một diễn viên ở Việt Nam.
Jack Foubton, người Canada, được mọi người trong Khoa Việt Nam học gọi thân mật là Bác Jack. Bác Jack là một học viên đặc biệt, yêu qúy Thầy Cô và Khoa Việt Nam học một cách rất đặc biệt. Dù học xong đã lâu nhưng bất kỳ dịp lễ tết nào, Bác cũng đều về Khoa để chúc mừng, và nhân dịp Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Thành lập Khoa, Bác Jack đã rất hân hoan khi được vê tham gia, hân hoan được mặc áo dài.
Hồng Anh có mẹ là người Việt, cha là người Nga, GS. TS Kolotov Vladimir Nikolaevich, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh trường ĐH Saint Petersburg ở Nga, là học viên của Khoa Việt Nam học trong những ngày đầu. Kỷ niệm về anh học viên dễ mến này vẫn còn đầy ắp trong ký ức của các Thầy Cô thế hệ trước.
Và thật là hay, 20 năm sau, con gái của ông, Kolotova Nadeznda, tên tiếng Việt là Hồng Anh cũng đã chọn con đường nghiên cứu về Việt Nam, và hiện đang là sinh viên tại khoa VNH, trường ĐH KHXHNV TPHCM.
Jong Hwan, chàng trai trẻ Hàn Quốc vui nhộn, thông minh và luôn là tâm điểm của tiếng cười trong lớp học tiếng Việt. Jong Hwan đang làm quản lý cho một nhà hàng Hàn Quốc ở TP HCM và đang từng ngày cố gắng để lập nghiệp lâu bền ở Việt Nam.
Thế đó… những con người đến từ khắp nơi trên trái đất, cái họ, cái tên không là Viêt Nam nhưng trái tim họ luôn là Việt Nam.
20/12/2018 .. 20 năm kỷ niệm thành lập Khoa VIỆT NAM HỌC… những bước chân tự tin trên sàn diễn của trường, nụ cười của các sinh viên nước ngoài trong trang phục áo dài Việt Nam…. Không ai biết tôi đã quá xúc động khi mắt mình nhìn vào ống kính ghi nhận những hình ảnh với nụ cười rạng rỡ của các bạn nước ngoài…Trong tim tôi vang lên: Thương lắm áo dài ơi….yêu lắm Việt Nam ơi!
Photo: Thái Nhàn
Áo dài: Nhà Thiết kế Việt Hùng