Mẹ Nhật Nam và quy tắc bàn tay giúp con thành “thần đồng” tiếng Anh

Mẹ Nhật Nam và quy tắc bàn tay giúp con thành “thần đồng” tiếng Anh

Mẹ Nhật Nam đã có những chia sẻ hết sức gần gũi về cảm giác con cầm chặt ngón tay khiến tim mình “tan chảy”, cũng như những quy tắc chị đặt ra cho con khi học tiếng Anh.

Nhật Nam là một cậu bé thông minh và được mệnh danh là thần đồng. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã bộc lộ khả năng tiếng Anh siêu việt, cũng như làm dịch giả cho nhiều cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt.


Tuy nhiên, bên cạnh trí thông minh sẵn có, những gì Nhật Nam đã và đang có phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp chỉ bảo của mẹ. Mới đây, chị Hồ Điệp – mẹ bé Nhật Nam, đã có những chia sẻ về “quy tắc bàn tay” giúp Nhật Nam phát triển tốt khả năng ngôn ngữ của mình.


Bàn tay biết nói

Ngôi nhà mình ở ngày nhỏ có một khu vườn rộng mênh mông, cạnh đó là cái mương nước trong leo lẻo.

Mình hay chạy ra vườn, trèo lên cái chạc cây ngồi vắt vẻo. Không phải vì thích trèo đâu mà vì mình thích ngồi đó để đợi mẹ ra. Mẹ sẽ dáo dác nhìn quanh và khi thấy mình, mẹ sẽ kêu lên: Ôi trời, con gái con đứa, đưa tay đây mẹ nắm rồi nhảy xuống kẻo ngã…

Mình sẽ nắm vào tay mẹ, nhảy phốc xuống. Ôi cái bàn tay…

Đến khi có con, mình cũng hay “nói chuyện” với con qua bàn tay.

Cái cảm giác con mới u ơ nhưng cầm chặt ngón tay của mẹ khiến tìm mình “tan chảy”.

Khi Nam lớn hơn, hai mẹ con cũng hay chơi những trò chơi với các ngón tay, với bàn tay.

Khi thì là chi vi chi vít lúc là oẳn tù tì, rồi đập tay vào nhau mỗi khi vui.


Hai mẹ con cũng có “dấu hiệu” riêng để đối thoại với nhau. Khi Nam làm được việc tốt, mình sẽ lấy ngón tay, ấn vào lòng bàn tay của Nam và nói “Chí pù”- chả có nghĩa gì đâu, tự nghĩ ra nói cho vui thôi.

Còn Nam, mỗi lần không vui sẽ lấy ngón tay di vào lòng bàn tay mẹ và nói “Xì lồng cồng”, mặt buồn thiu – cũng là tự bịa ra cả nhưng hình như nói xong, cái buồn chạy đi đâu mất tiêu.

Mỗi lần đi cùng nhau, mình hay đề nghị: Nam nắm tay mẹ đi, cho mẹ có cảm giác yên tâm. Nam vui vẻ cầm tay mẹ lại còn dặn dò đủ thứ: Mẹ đi đường phải nhìn cẩn thận á. Mẹ là hay hấp tấp lắm á (Ahuhu).

Không chỉ có trò chuyện bằng các ngón tay, mình luôn tự đặt ra các nguyên tắc để hướng dẫn Nam làm việc gì đó bằng “quy tắc bàn tay”. Tức là chia ra mỗi ngón tay một nguyên tắc cho dễ nhớ.

Ví dụ trong việc học tiếng Anh của Nam, “quy tắc bàn tay” mình tự đặt ra sẽ là thế này:

– Ngón cái: Học qua những gì con thích nhất: Con thích ăn uống, mẹ sẽ cùng con học trong bếp. Nam lên mạng tra clip dạy món ăn bằng tiếng Anh, nói lại cho mẹ rồi hai mẹ con cùng nấu. Vừa nấu, Nam vừa giải thích bằng tiếng Anh. Nam thích xem phim, đọc sách, nghe nhạc, chơi trò chơi… OK, tất cả đều bằng tiếng Anh hết. Cứ cái gì thích sẽ có “phiên bản” tiếng Anh cái đó. Mình luôn tự nhắc, nếu để con thấy, học là “gánh nặng” có thể con sẽ giỏi nhưng nói tiếng Anh sẽ không có “thần thái”. Có lẽ vì vậy nên Nam mỗi lần được nói tiếng Anh là khuôn mặt tươi tắn, hào hứng.

– Ngón trỏ: Đặt ra các mục tiêu ngắn hạn: Nam thường cứ ba tháng hoặc sáu tháng một lần tham gia thi một bằng chuẩn tiếng Anh nào đó.Trước khi thi đặt ra mục tiêu về điểm số, nếu thấy chưa đạt như mong muốn lại thi lại.

– Ngón giữa: Nghe, nghe và nghe. Mỗi lần nghe có thể nhắc lại hoặc đặt câu hỏi và tự trả lời. Mình rất mong muốn Nam có thật nhiều câu hỏi về những gì nghe được. Tuy không rành về tiếng Anh nhưng mình luôn nghĩ, đặt câu hỏi sẽ khiến người học hiểu sâu về những gì nghe được và sẽ có phản xạ tiếng Anh tốt hơn.

– Ngón áp út: Không vội vàng, lấy sức bền làm trọng. Không nôn nóng để con phải nói giỏi tiếng Anh ngay mà phải học đều đặn hàng ngày. Thời gian học mỗi ngày được chia ra thành ba bước:

Bước 1: Học những gì con thấy hứng thú (Nam thường chọn xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh).

Bước 2: Học theo một bài đọc trong sách (bao gồm đọc hiểu, nghe về bài đọc đó)

Bước 3: Viết ( về những gì con vừa nghe, vừa đọc hoặc viết một chủ đề con thích).

– Ngón út: Học tiếng Anh nhưng vẫn dành chỗ cho tình yêu tiếng Việt. Cách thức là Nam hay dịch các câu chuyện tiếng Anh ngăn ngắn ra tiếng Việt. Ban đầu là dịch thô sau đó mới ngồi cùng nhau “trang điểm” cho bản dịch bằng việc thi tìm xem từ nào có nghĩa tương đương mà lại đẹp hơn. Và Nam nữa, Nam cũng hay tự “xuất bản” các câu chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Mình cắt các tờ giấy thành hình trái tim, hình tròn, hình vuông để Nam viết, minh họa bằng hình vẽ. Sau đó đóng lại thành một cuốn sách và tổ chức “đấu giá” sách trong gia đình. Ôi vui lắm!


“Quy tắc bàn tay” này áp dụng được trong thời gian đầu Nam mới học tiếng Anh rồi sau đó Nam tự học theo cách của mình.

Nên những “nguyên tắc” này chỉ là tương đối thôi. Mình đặt ra để nhắc nhở mình rằng việc học của con là hạnh phúc của mẹ. Mẹ nhìn vào mỗi ngón tay như nhìn thấy một mầm cây lớn lên. Và yêu thương dâng đầy…


Sáng nay vừa nghe Nam kể, các bài kiểm tra đầu năm của em ở các môn Văn học, Lịch sử, Sinh học đều đạt điểm trên 100 vì thầy cô cho thêm điểm thưởng, mình rất ước ao có Nam ở đây để di ngón tay vào lòng bàn tay Nam và nói: Chí pù!

Và để nắng lọt qua từng ngón tay… Nam ơi!